Hội thảo “Thực trạng phát triển và thách thức cơ bản dưới góc độ xã hội, đạo đức và pháp lý của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”
Cập nhật lúc 11:00, 05/10/2024 (GMT+7)

Ngày 04/10/2024, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Thực trạng phát triển và thách thức cơ bản dưới góc độ xã hội, đạo đức và pháp lý của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”. Hội thảo là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam”, phối hợp tổ chức bởi CSIRO (Cơ quan khoa học quốc gia Úc), Bộ KH&CN và Trường ĐH Luật.

 

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, học viên, sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo luật. Về phía Trường ĐH Luật ĐHQGHN có: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Hiệu trưởng); PGS.TS. Lê Thị Thu Thuỷ (Phó chủ tịch Hội đồng trường lâm thời); PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Nguyên Hiệu trưởng - Chủ nhiệm nhiệm vụ); TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa LDS - đồng chủ nhiệm nhiệm vụ); và các thầy cô là giảng viên, lãnh đạo quản lý của các Khoa chuyên môn và các Phòng chức năng thuộc Trường. Về phía khách mời có: TS. Trần Anh Tú (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN); TS. Chu Văn Thắng (Chuyên gia tư vấn Chương trình Aus4Innovation); PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm (Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN); TS. Trần Văn Biên - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp; TS. Nguyễn Linh Giang – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp Luật Viện Hàn lâm KHXHVN Việt Nam; TS. Hoàng Đỗ Thanh Tùng (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện các Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông, Vụ Xã hội (Văn phòng Quốc hội); Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXHVN; đại diện các trường đại học trên địa bàn Hà Nội; …

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cho biết “Trường Đại học Luật - ĐHQGHN với lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín tại Việt Nam. Năm 2022, Trường chính thức được thành lập và tiếp tục duy trì định hướng phát triển thành một trường đại học luật nghiên cứu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trong những năm gần đây, nhà trường đã tiên phong trong các nghiên cứu đa ngành và liên ngành, tập trung vào tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Hội thảo lần này nhằm phân tích toàn diện thực trạng phát triển của AI tại Việt Nam và thảo luận về các thách thức cơ bản từ các góc độ xã hội, đạo đức và pháp lý. Hội thảo cũng là dịp để đưa ra các đề xuất, kiến nghị giúp hoàn thiện khung chính sách và pháp lý cho sự phát triển có trách nhiệm của AI tại Việt Nam.

 

Hội thảo bao gồm 05 tham luận:

-                      Tham luận 1: Thực trạng phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và những thách thức đặt ra - TS. Hoàng Đỗ Thanh Tùng (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

-                      Tham luận 2: Thực trạng chính sách và pháp luật Việt Nam hướng tới trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm - PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh và TS. Đỗ Giang Nam (Trường Đại học Luật, ĐHQGHN)

-                      Tham luận 3: Thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam và những thách thức về xã hội, đạo đức, pháp lý - TS. Nguyễn Bích Thảo (Trường Đại học Luật, ĐHQGHN)

-                      Tham luận 4: Thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam và những thách thức về xã hội, đạo đức, pháp lý - TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Trường Đại học Luật, ĐHQGHN)

-                      Tham luận 5: Thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam và những thách thức về xã hội, đạo đức, pháp lý - TS. Nguyễn Anh Đức (Trường Đại học Luật, ĐHQGHN).

Trên cơ sở nghiên cứu về sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và nông nghiệp tại Việt Nam, cũng như những thách thức về xã hội, đạo đức, pháp lý, các đại biểu nhất trí rằng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động to lớn đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Vì vậy, Việt nam cần nhanh chóng xây dựng một cách hệ thống chính sách và pháp luật toàn diện nhằm thúc đẩy hiệu quả việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, phù hợp với sự phát triển của công nghệ cũng như xu hướng quốc tế.

 

Các giá trị cốt lõi của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm gồm: tôn trọng quyền tự chủ của con người; ngăn ngừa thiệt hại đối với con người và xã hội; không tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử; bảo đảm tính minh bạch và khả năng giải thích các quyết định của trí tuệ nhân tạo.

Trong đó, có thể tiếp tục đặt ưu tiên vào việc hoàn thiện Bộ nguyên tắc đạo đức thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm để bảo đảm niềm tin của người dùng và xã hội vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Bộ nguyên tắc và các hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm cần mang tính linh hoạt, thích ứng, thường xuyên được đánh giá, cập nhật, bổ sung theo sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Copyright © Law.vnu.edu.vn
Add: E1, 144 Xuan Thuy Str - Cau Giay Dist - Hanoi
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081