Hội thảo khoa học quốc tế “Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng trọng tài: Kinh nghiệm Việt nam và Hàn quốc”
Cập nhật lúc 11:07, 28/02/2023 (GMT+7)

Chiều ngày 27/02/2023, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế  “Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng trọng tài: Kinh nghiệm Việt nam và Hàn quốc”. Hội thảo được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

 

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Luật có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng), PGS.TS. Phan Thị Thanh Thuỷ (Chủ nhiệm Khoa Luật Kinh doanh); TS. Trần Anh Tú (Phó chủ nhiệm Khoa Luật Kinh doanh) và nhiều giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật cũng như một số cơ sở đào tạo luật khác. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia tham luận của các chuyên gia, luật sư đến từ Hàn Quốc như Giáo sư, Luật sư Kim Choo Deok (Giám đốc công ty luật Taeil, Trưởng Ban đánh giá các cơ sở đào tạo luật Hàn Quốc); Luật sư Jeong Jung Ho (Đoàn Luật sư Seoul, Hàn Quốc); Luật sư Jeong Sang Hun; … và bà Vũ Thị Hằng (Phó Ban thư ký, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam).

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh đánh giá cao sự hợp tác bền vững, hiệu quả của Nhà trường với các công ty luật Hàn Quốc, đặc biệt là công ty luật Taeil. Theo PGS, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài đang ngày một phổ biến tại Việt Nam, do đó Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản tạo ra khung pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng trọng tài thương mại. Tuy nhiên Luật trọng tài thương mại 2010 đến thời điểm hiện tại đã bộc lộ những bất cập nhất định bởi sự phức tạp của các quan hệ pháp luật trong xã hội hiện nay, do đó Trường Đại học Luật kỳ vọng Hội thảo sẽ nhận được những kiến nghị thiết thực từ kinh nghiệm của các chuyên gia để góp phần hoàn thiện pháp luật trọng tài thương mại tại Việt Nam.

 

Đồng tình với PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Giáo sự Kim Choo Deok đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và khẳng định trọng tài có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Giáo sư chia sẻ ông mong muốn được tìm hiểu về pháp luật trọng tài thương mại tại Việt Nam và cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc.

 

Mở đầu phần nội dung chính của Hội thảo là tham luận “Tổng quan về trọng tài thương mại và pháp luật về Trọng tài thương mại tại Việt Nam”, PGS.TS. Phan Thị Thanh Thuỷ và TS. Trần Anh Tú đưa ra cho các đại biểu tham dự góc nhìn tổng quan nhất về pháp luật trọng tài Việt Nam thông qua việc phân tích các quy định nổi bật, những ưu điểm và yếu điểm của Luật Trọng tài thương mại 2010.

Tiếp theo đó, nhằm đưa ra góc nhìn so sánh rõ ràng nhất giữa pháp luật trọng tài hai nước, trong phần tham luận thứ 02, GS.LS. Kim Choo Deok giới thiệu những nét nổi bật của pháp luật trọng tài Hàn Quốc. Theo ông, pháp luật trọng tài Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng khá thú vị nhưng cũng có những sự khác biệt cơ bản mà hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò của trọng tài.

Phần tham luận thứ 03 “Thủ tục công nhận và hủy phán quyết trọng tài của Tòa án Hàn Quốc” do Luật sư Jeung Jung Ho trình bày. Với kinh nghiệm hành nghề của mình, Luật sư Jeung Jung Ho đưa vào bài tham luận một số vụ việc tiêu biểu liên quan đến thủ tục công nhận và huỷ phán quyết trọng tài, qua đó phân tích các ưu, nhược điểm của thủ tục này khi thực thi tại Hàn Quốc.

Sau giờ nghỉ giải lao, Hội thảo tiếp tục với phần tham luận của ông Steve Kim với tiêu đề “Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại quốc tế tại Hàn Quốc: Xu hướng và các vấn đề đặt ra”. Trong phần này, diễn giả đưa ra những thông số cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phương thức tố tụng trọng tài tại Hàn Quốc thể hiện qua mức độ sử dụng trọng tài của người Hàn Quốc và số lượng luật sư quốc tế làm việc tại Hàn Quốc.

Cuối cùng, trong phần trình bày tham luận thứ 05, Bà Vũ Thị Hằng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng trọng tài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bà cũng đưa ra những số liệu thống kê cụ thể cho thấy Trọng tài thương mại ngày càng trở thành một hình thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trong nước cũng như quốc tế.

 

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự Hội thảo và có những chia sẻ rất giá trị. PGS kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các cơ hội hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự Hội thảo lần này trong thời gian tới.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Copyright © Law.vnu.edu.vn
Add: E1, 144 Xuan Thuy Str - Cau Giay Dist - Hanoi
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081