Hội thảo khoa học Lập luận pháp lý (Legal Reasoning)
Cập nhật lúc 19:00, 03/12/2024 (GMT+7)

Ngày 03/12/2024, Khoa Lý luận, Lịch sử Nhà nước & Pháp luật, Trường ĐH Luật ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học “Lập luận pháp lý (Legal Reasoning)”. Trường Đại học Luật là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội thảo về chủ đề này sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn chương trình đào tạo cử nhân ngành luật, trong đó bao gồm học phần liên quan đến lập luận pháp lý.

 

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn trong lĩnh vực pháp lý như: GS.TSKH Đào Trí Úc, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Lê Minh Tâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh; PGS.TS. Trần Văn Độ; … cùng với đông đảo giảng viên, nhà khoa học của Trường ĐH Luật ĐHQGHN, các nhà khoa học đến từ Huế, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, … Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu thông qua nền tảng trực tuyến Zoom.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật) gửi lời chúc mừng Khoa LLLSNN&PL đã bước đầu tổ chức được một hội thảo có chủ đề rất xu hướng và nhiều tiềm năng để khai thác. Ông nhấn mạnh đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới tại Việt Nam, không chỉ mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học mà còn gắn bó chặt chẽ với triết lý đào tạo khai phóng, chất lượng cao và phát triển bền vững của Nhà trường. Phó hiệu trưởng phụ trách cũng kỳ vọng Hội thảo sẽ tiếp tục được phát triển, nâng cấp trở thành một Hội thảo cấp Trường, mang lại những đóng góp sâu rộng hơn trong việc lan toả tri thức pháp lý tới cộng đồng.

 

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Phó chủ nhiệm phụ trách Khoa LLLSNN&PL) nhấn mạnh vai trò quan trọng của lập luận pháp lý trong việc kết nối lý thuyết và thực tiễn, xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch và đáng tin cậy, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. PGS cũng khẳng định lập luận pháp lý đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức pháp lý, tư duy phản biện, và kỹ năng thuyết phục. Từ đó, Hội thảo đặt ra 02 mục tiêu chính: (i) Thảo luận sâu về lý thuyết và phương pháp lập luận pháp lý, đánh giá vai trò của nó trong khoa học pháp lý tại Việt Nam và thế giới; (ii) Xem xét, nhìn nhận, đánh giá và chia sẻ các phương pháp lập luận pháp lý và đề xuất các giải pháp đề cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy và ứng dụng kỹ năng lập luận pháp lý trong thực tiễn. Cuối phần phát biểu, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn kỳ vọng sự tham gia và đóng góp của các chuyên gia, học giả sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề, mở ra hướng nghiên cứu và thực hành mới, góp phần nâng cao chất lượng pháp luật tại Việt Nam

 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, GS. TS. Lê Minh Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của lập luận pháp lý trong công tác đào tạo luật. Ông khẳng định việc gắn kết đào tạo luật với lập luận pháp lý không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là nhu cầu cấp thiết cần được mở rộng cả về quy mô và phạm vi. Đồng tình với quan điểm này, GS. TS. Võ Khánh Vinh bổ sung rằng lập luận pháp lý đóng vai trò thiết yếu không chỉ trong hoạt động lập pháp mà còn trong việc áp dụng pháp luật, góp phần tạo nên một hệ thống pháp lý minh bạch và hiệu quả.

 

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia tại Hà Nội, Hội thảo cũng nhận được sự tham gia góp ý, tham luận sôi nổi từ các chuyên gia trên khắp cả nước như PGS.TS. Đỗ Minh Khôi – giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Phan Trung Hiền, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ; …

Chương trình Hội thảo bao gồm 08 tham luận:

1. Tìm hiểu bước đầu về lập luận pháp lý (Khái niệm, đối tượng, phương pháp và phạm vi nghiên cứu) - Tác giả: GS. TSKH. Đào Trí Úc

2. Khái lược về Legal Reasoning - Tác giả: NCS. Vũ Thành Cự; GS. TS. Vũ Công Giao

3. Lập luận pháp lý: Lịch sử phát triển, bản chất, đặc trưng, phân loại và ý nghĩa - Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn

4. Đặc thù của lập luận pháp lý và các cách thức lập luận pháp lý cơ bản - Tác giả: TS. Nguyễn Văn Quân

5. Vận dụng học thuyết tương xứng trong lập luận pháp lý: Nhìn từ quy trình lập pháp ở Việt Nam - Tác giả: PGS. TS. Bùi Tiến Đạt; TS. Nguyễn Tiến Đức

6. Lập luận pháp lý dựa trên việc giải thích quan điểm, ý định của nhà lập pháp - Tác giả: TS. Phạm Thị Duyên Thảo

7. Lập luận pháp lý với hoạt động xét xử của Tòa án tại Trung Quốc - Tác giả: TS. Phạm Lương Khiển

8. Phương pháp lập luận dựa trên chính sách (Policy-Based Method) - Tác giả: ThS. NCS. Trần Tuấn Kiệt

Hội thảo "Lập luận pháp lý (Legal Reasoning)" đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các phần tham luận và thảo luận sôi nổi đã gợi mở hướng nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng mới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu về lập luận pháp lý tại Việt Nam.

 

Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Copyright © Law.vnu.edu.vn
Add: E1, 144 Xuan Thuy Str - Cau Giay Dist - Hanoi
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081