ĐHQGHN tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học
Cập nhật lúc 9:25, 02/03/2015 (GMT+7)
Với vai trò nòng cốt và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN đã, đang và tiếp tục có những bước đi đột phá trong công tác đào tạo. Năm 2014, ĐHQGHN cũng đã đạt được nhiều thành công trong công tác đào tạo.

Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong các đợt thí điểm vừa qua, tháng 9 năm 2014, ĐHQGHN đã tổ chức tuyển chọn sinh viên vừa trúng tuyển đại học vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế và tuyển sinh 18 chuyên ngành sau đại học đợt 2 năm 2014 theo phương thức đánh giá năng lực.

Bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung bậc ĐH được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan, 180 câu, thời gian làm bài thi là 195 phút, gồm 4 hợp phần, trong đó hai hợp phần bắt buộc là Toán (50 câu); và các hợp phần tự chọn là khoa học tự nhiên (40 câu) và khoa học xã hội (40 câu). Bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung bậc SĐH được thiết kế gồm bài thi trắc nghiệm khách quan (50 câu) và Bài luận, với tổng thời gian làm bài là 180 phút. Các câu hỏi tập trung vào những năng lực chung, nền tảng mà sinh viên hình thành ở bậc ĐH. Bài thi này là bài thi môn thi cơ bản trong phương thức tuyển sinh SĐH hiện đang áp dụng.

Bài thi không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn, đồng thời những kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kĩ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mĩvà khả năng tư duy. Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Với phương thức đổi mới này, ĐHQGHN không chỉ đánh giá được năng lực toàn diện của các thí sinh mà nó còn là phương pháp đánh giá vì sự học tập, tiến bộ của các thí sinh. 
 
 
 
Niềm vui của các tân cử nhân ngày nhận bằng tốt nghiệp. (Ảnh: Bùi Tuấn)
 

Trong đợt thi vừa qua, ĐHQGHN có 1061 thí sinh bậc ĐH và 547 thí sinh thi tuyển sinh SĐH tham gia. Qua phân tích, so sánh với kết quả kì thi ba chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đánh giá của các đơn vị đào tạo, kết quả của kì thi đánh giá năng lực về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực của người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả ba chung, những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao cũng đồng thời là những thí sinh đã có kết quả thi ba chung cao. Những thí sinh đạt từ 100/140 trở lên Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực đều có điểm thi ĐH từ 23.5/30 trở lên. Phổ điểm của bài thi này là tiệm cận đường cong chuẩn (với điểm trung bình là gần 84, độ lệch chuẩn là gần 16), tức là có thể đánh giá toàn bộ dải năng lực của tất cả các thí sinh. Để chuẩn bị cho bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN đã chuẩn bị khá công phu và mất nhiều năm liền. Đặc biệt là ngân hàng câu hỏi với 4.500 câu hỏi không phải đơn giản, đòi hỏi sự cập nhật liên tục. Đến thời điểm này, ĐHQGHN đã nhận được phản hồi tốt của học sinh, sinh viên, nhà giáo cũng như các chuyên gia đầu ngành.

Năm 2015, ĐHQGHN sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực làm điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học, dự kiến sẽ có hai đợt thi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Các thí sinh dự thi chỉ cần đăng kí tham gia làm bài thi đánh giá năng lực chung do Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức. Sau khi tham gia đánh giá, thí sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả đánh giá. Kết quả này sẽ là căn cứ để xét tuyển vào đại học các ngành đại học. Việc xét tuyển vào các ngành học sẽ lấy từ cao xuống đến ngưỡng sàn xác định cho từng ngành đào tạo. Sau khi được thông báo đủ điều kiện năng lực, thí sinh chỉ cần nộp thêm bằng tốt nghiệp phổ thông (hoặc chứng nhận tạm thời) khi nhập học.

Cũng trong năm 2014, ĐHQGHN đã tổ chức sắp xếp lại hệ thống các chương trình đào tạo, chức năng nhiệm vụ đào tạo, ban hành bản quy hoạch 415 ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014 – 2020 làm cơ sở để phân cấp đầu tư, nâng cao chất lượng, góp phần dự báo xu thế phát triển và nhu cầu đào tạo.

Năm 2014, tỉ lệ sinh viên các hệ chất lượng cao, tài năng, tiến tiến, chuẩn quốc tế đạt 16%; 56% nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kĩ thuật - công nghệ tốt nghiệp có công bố trên các tạp chí ISI/ Scopus; nâng tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp có việc làm và tiếp tục học tập, nghiên cứu ở trên thế giới hoặc các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có uy tín trong nước đạt 15%.

ĐHQGHN đẩy mạnh triển khai chương trình trao đổi tín chỉ trong hệ thống các trường đại học Đông Nam Á và nhận được sự ủng hộ của tất cả các trường thành viên trong mạng lưới. Với việc tham gia vào hệ thống ACTS, các trường thuộc mạng lưới AUN khuyến khích sinh viên trải nghiệm 1 kì học ở một trong các trường đối tác và công nhận tương đương các tín chỉ tích lũy được trong kì học trao đổi. ĐHQHGN đã hoàn thiện hồ sơ và đăng ký các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để tham gia vào hoạt động trao đổi sinh viên của AUN, bao gồm gần 370 chương trình cả bậc đại học và sau đại học. Năm học 2014-2015, ĐHQGHN đón những sinh viên trao đổi đầu tiên trong khuôn khổ chương trình AUN-ACTS. Tính cả năm 2014, đã có tổng số trên 1000 học sinh, sinh viên và học viên sau đại học tới học tập và giao lưu, trao đổi ngắn hạn và dài hạn tại ĐHQGHN.

Năm học 2013-2014, 2 trường THPT Chuyên của ĐHQGHN cũng đạt được những kết quả rực rỡ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi khu vực và quốc tế. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có 32 học sinh tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia 4 môn ngoại ngữ và đã có 17 em đạt giải (7 giải nhì; 5 giải ba; 5 giải khuyến khích).  Trong năm học này, học sinh của trường đã tham gia kì thi Olympic Hà Nội mở rộng (môn Toán bằng Tiếng Anh) có 4 học sinh tham gia đạt 3 giải (1 giải ba, 2 giải khuyến khích). Đây cũng là năm đầu tiên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ tham gia kì thi HS giỏi Khu vực Duyên hải Đồng bằng Bắc bộ với thành tích 21 em đạt giải trong số 27 em tham gia (4 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và 6 giải khuyến khích).Trường THPT Chuyên KHTN có 50 học sinh tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia ở các môn KHTN cả 50 học sinh đều đạt giải (3 giải nhất; 28 giải nhì; 12 giải ba; 7 giải khuyến khích). Đặc biệt trong các kì thi Olimpic quốc tế học sinh của trường đã giành được 6 huy chương Olimpic quốc tế (Toán học: 1 HCV; Tin học: 1 HCB, 2 HCĐ; Vật lí: 1 HCV, 1HCB) và 6 huy chương (Tin học: 4 HCB; Vật lí: 2 HCB) ở kì thi Olympic Châu Á.

Có thể thấy rằng, năm 2014, ĐHQGHN đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc đổi mới giáo dục đại học, góp phần tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành. Với những gì đã đạt được trong năm 2014 vừa qua và trên cơ sở thế và lực mới, chắc chắn ĐHQGHN sẽ có những bước tiến vững chắc hơn trong năm mới 2015. 
Theo VNU
Facebook Twitter Google Gmail Y! Mail ZingMe Addthis
Bài viết khác:
 
 
Copyright © Law.vnu.edu.vn
Add: E1, 144 Xuan Thuy Str - Cau Giay Dist - Hanoi
Tel: (04) 3754 7787 - Fax: (04) 3754 7081